Bách Việt là tên gọi của các dân tộc không phải người Hán sống phía nam sông Trường Giang Trung Quốc từ thuở sơ khai, qua chiều dài lịch sử phần lớn đã bị Hán hóa bằng những cuộc di dân từ phương Bắc hoặc bằng sức mạnh quân sự cưỡng ép. Nhưng dân tộc Việt Nam chúng ta vẫn giữ được bản sắc dân tộc và thoát khỏi sự thống trị của Trung Hoa.
Lịch sử Việt Nam bắt nguồn từ những truyền thuyết Lạc Long Quân, Âu Cơ cách đây hơn 4000 năm. Và hôm nay chúng ta cùng nhau lạc vào thế giới truyền thuyết đầy bí ẩn khai sinh ra dân tộc Việt Nam. Tương truyền rằng thời Hoàng đế dựng muôn nước, lấy địa giới giao chỉ về phía Tây Nam, xa Ngoài đất Bách Việt. Vua Nghiêu sai Hy thị đến ở Nam Giao (tức là Phương Nam Trung Hoa) để định đất Giao Chỉ ở Phương Nam. Vua Vũ chia 9 châu, thì Bách Việt thuộc về phần đất châu Dương, Giao Chỉ thuộc về đấy. Từ thời Thành Vương nhà Chu (1063-1026 TCN) mới gọi là Việt Thường Thị, tên Việt bắt đầu từ đây. Sao mà bắt đầu vào những trang sử đầu tiên của Việt Nam mà có quá nhiều điều rối rắm thế anh Duy, liệu là các bạn xem chương trình có thể hình dung được hay không ?
- Đây cũng là điều mà chúng ta dành 2 buổi đầu tiên để nói về Tam Hoàng Ngũ Đế, thì giờ đây các bạn đã hình dung được vua Nghiêu, vua Vũ là ai rồi. Còn Chu Thành Vương thì chúng ta sẽ cố gắng trình bày ngắn gọn vào những số tiếp theo. Ở đây chúng ta cần phải biết thêm rằng Bách Việt là dùng để chỉ các dân tộc không phải người Hán sống ở miền nam Trung Quốc thời xưa. Hôm nay chúng ta sẽ đến với thời kỳ đầu tiên của lịch sử Việt Nam được đánh dấu bằng Kỷ Hồng Bàng Thị.
- Năm Nhâm Tuất (năm thứ 1) hay năm 2879 TCN, đây chỉ là năm suy đoán, các nhà sử học muốn đặt Kinh Dương Vương ngang hàng với đế Nghi. Vào năm này, cháu 3 đời của Viêm Đế họ thần nông là Đế Minh sinh ra đế Nghi và sau đó đi tuần thú Phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên sinh ra Lộc Tục (Kinh Dương Vương). Kinh Dương Vương nổi tiếng thông minh được đế Minh hết lòng yêu quý và đinh truyền ngôi cho Kinh Dương Vương. Nhưng Kinh Dương Vương nhường cố nhường ngôi cho anh là Đế Nghi, không dám phục mệnh cha. Do đó, đế Minh mới lập đế Nghi làm vua cai quản phương Bắc và phong cho Kinh Dương Vương làm vua cai quản phương Nam lấy tên nước là Xích Quỷ.
- Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy con gái của Long Vương ở Hồ Động Đình sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân, sau khi truyền ngôi cho Lạc Long Quân, Kinh Dương Vương đi đâu không ai biết. Lạc Long Quân vẫn đi đi về về giữa Thủy phủ và đất liền mà nước vẫn bình an vô sự, hễ khi nước có biến, người dân gọi “Bố ơi! Sao không lại cứu chúng tôi” thì Lạc Long Quân lại xuất hiện cứu giúp. Trong thời điểm đó ở phương Bắc Đế Nghi truyền ngôi cho Đế Lai. Nhân dịp quốc thái dân an, Đế Lai giao việc nước cho bọn quần thần Xuy Vưu trông coi, ông cùng ái nữ của mình là Âu Cơ xuống phương Nam nước Xích Quỷ du ngoạn. Khi đó, Lạc Long Quân cũng đã về thủy phủ, trong nước không có vua. Đế Lai bèn để Âu Cơ và nữ tỳ ở lại, ông lên đường tham quan danh lam thắng cảnh trời nam. Thấy hoa kì cỏ lạ, trân cầm dị thú, ngọc ngà vàng bạc, các thứ đá quý, các cây trầm đàn, sơn hào hải vật không thiếu 1 thứ chi, khí hậu 4 mùa không lạnh không nóng. Nhưng người dân cảm thấy phiền nhiều trước sự tự do của đế Lai nên cầu cứu Lạc Long Quân. “Bố ơi ở đâu mà để cho dân Bắc xâm nhiễu” Lạc Long Quân trở về thấy Âu Cơ xinh đẹp lạ thường bèn hóa thân thành 1 nam nhân khôi ngô tuấn tú, tả hữu người hầu kẻ hạ đông đúc, vừa đi vừa ca hát đánh trống, cung điện tự nhiên dựng lên, Âu Cơ vui lòng đi theo Lạc Long Quân. Đế Lai trở về không thấy Âu Cơ bèn sai quần thần tìm khắp thiên hạ. Long Quân có phép thần thông biến thành muôn hình vạn trạng yêu tinh, quỷ sứ, rồng, rắn, hổ, voi … làm cho bọn đi tìm sợ hãi không dám sục sạo nên Đế Lai phải quay về. Truyền ngôi đến đời Du Võng thì Xuy Vưu làm loạn, vua nước Hữu Hùng là Hiên Viên đem chư hầu đến đánh nhưng không được. Xuy Vưu mình thú mà nói tiếng người, có sức khỏe dũng mãnh. Có người dạy Hiên Viên dùng trống da thu làm lệnh, Xuy Vưu sợ hãi chạy về đất Trát Lộc, đế Du Võng xâm lăng chư hầu cùng Hiên Viên giao binh ở Phản Tuyền đánh 3 trận đều bị thua, sau đó chết. Họ Thần Nông tới đây thì hết.
- Lạc Long Quân cưới Âu Cơ đẻ ra 1 cái bọc, cho là điều bất thường bèn đem vứt ra cánh đồng, qua 6 7 ngày bọc vỡ ra 100 quả trứng, mỗi trứng nở ra 1 con trai, mới đem về nuôi. Không cần phải bú mớm, lớn lên đẹp lạ thường, người nào cũng trí dũng song toàn. Long Quân ở lâu dưới Thủy Phủ, mẹ con Âu cơ muốn về đất Bắc. Về đến biên giới Hoàng Đế rất sợ hãi cho binh ra giữ cửa ải. Mẹ con Âu Cơ không thể về được bèn trở lại nước Nam gọi Long Quân rằng “Bố ở nơi nào mà để mẹ con tôi cô độc, ngày đêm buồn khổ thế này” Long Quân bèn trở về, gặp nhau ở đất Tương. Âu Cơ nói “thiếp vốn là người đất Bắc, ở với vua, sinh được 100 con trai, vua bỏ thiếp đi, không cùng thiếp nuôi con, làm người vô phu vô phụ, chỉ biết thương mình “ta là loài rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh con, nhưng thủy hỏa tương khắc, giòng giống bất đồng, khó ở với nhau được, nay ta đem 50 người con về Thủy Tộc chia nhau cai trị các xứ, 50 người con theo nàng về ở trên đất. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên.” Trăm con vâng theo, sau đó từ biệt mà đi. Âu cơ và 50 con lên ở đất Phong Châu, tôn người con cả lên làm vua lấy hiệu Hùng Vương, tên nước là Văn Lang.
Vâng tổ tiên người Việt là con rồng cháu tiên, như câu chuyện mà anh Duy vừa mới trình bày, chúng ta là con cháu của mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân. Những con đường mang tên tổ tiên chúng ta như Kinh Dương Vương, Hồng Bàng, Lạc Long Quân, Âu cơ thường nằm cạnh nhau ở thành phố Sài Gòn này, nếu ai trong chúng ta tinh mắt đều có thể nhận ra. Những truyền thuyết này đã quá quen thuộc với chúng ta qua những mẫu chuyện cổ tích hay chương trình học sử trong nhà trường thường xuyên được nhắc đến, nhưng câu chuyện anh Duy vừa kể có vẻ nó ly kỳ và chi tiết hơn. Anh Duy có thể cho mọi người được biết anh tham chiếu từ tài liệu nào không ạ?
Duy Nguyễn
- Nói đến lịch sử Việt Nam thì không thể nào chúng ta không xem qua các tác phẩm Đại Việt Sử ký toàn thư của sử gia đời Lê, Ngô Sỹ Liên được biên soạn dựa trên Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu đời Trần (tác phấm này đã không còn nữa). Và những mẫu chuyện ly kỳ về truyền thuyết Âu Cơ Lạc Long Quân các bạn có thể tìm thấy trong tác phẩm dân gian truyền miệng Lĩnh Nam Chích Quái. Như đã biết vào thời kì tối cổ, đất nước nào, dân tộc nào cũng có những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết về những vị thần của riêng họ. Và truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ là truyền thuyết của người Việt Nam chúng ta.
Anh Duy vừa nhắc đến sử thần Ngô Sỹ Liên thì Thu Hương được biết ông đã từng nói :“ Khi trời đất mới mở mang, có thứ do khí hóa ra, đó là bàn cổ thị. Có khí hóa ra rồi, sau có hình hóa, không thứ gì ngoài 2 khí âm dương cả ”. Kinh Dịch nói :“ Trời đất nung ủ, vạn vật thuần hóa, đực cái hợp tinh, vạn vật hóa sinh ”. Cho nên có vợ chồng rồi sau mới có cha con, có cha con rồi sau mới có vua tôi. Nhưng thánh hiền sinh ra, tất có khác thường, đó là mệnh trời. Nuốt trứng chim huyền điểu mà sinh ra nhà Thương, giẫm vết chân người khổng lồ mà dấy nhà Chu, đều là ghi sự thực như thế. Con gái Thần Nông thị Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên sinh ra Kinh Dương Vương, tức là thủy tổ Bách Việt. Vương lấy con gái Thần Long sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế lai mà có phúc sinh ra trăm con trai. Đó chẳng phải là cái đã gây ra cơ nghiệp cho nước Việt ta hay sao? Xét sách Thông Giám Ngoại Kỷ nói: Đế Lai là con Đế Nghi, cứ theo sự ghi chép ấy thì Kinh Dương Vương là con ruột đế Nghi, thế mà kết hôn với nhau, có lẽ đời ấy còn hoang sơ, lễ nhạc chưa đặt mà như thế chăng? Anh Duy có nhận định gì về vấn đề này không?
Duy Nguyễn
- Như anh đã đề cập ở trên, mỗi dân tộc đều có cái nôi văn minh của mình. Mà đã là truyền thuyết thì không có tính đúng sai, nó thuộc về phạm trù tâm linh, lịch sử không thể nào giải thích được những câu chuyện quá xa thời đại, do đó dân tộc nào cũng phải dựa vào những câu chuyện truyền miệng rồi thần thánh hóa lên, đề cao sức mạnh con người chống lại khắc nghiệt của thiên nhiên, của thú dữ, hình thành văn minh sơ khai. Nếu không có những truyền thuyết này thì làm sao giải thích được người Việt nói riêng và nhân loại từ đâu mà hình thành? Trải qua những thời buổi sơ khai nào? Là một người con của đất nước, cái căn bản là chúng ta phải giữ được nguồn gốc ông cha, chúng ta phải biết được mình từ đâu ra. Các nhà sử học đã dành cả đời nghiên cứu để lại cho chúng ta 1 kho tàng văn hóa như thế mà chúng ta chỉ mỗi việc đọc thôi cũng không làm nổi thì không xứng với tiền nhân, sau này dạy dỗ thế hệ sau cũng khó. Theo ý kiến cá nhân anh thì văn hóa để chúng ta học và cảm nhận thay vì đi phân tích và liên tưởng những vấn đề thiếu thực tiễn. Việc Lạc Long Quân và Âu Cơ có quan hệ chú – cháu mà kết hôn với nhau chẳng có gì để lên án, xã hội không ai đi làm việc đó. Tư Mã Quang là 1 nhà sử học của Trung Hoa, không phải sử học của Việt Nam nên điều này cũng bình thường, họ nói sao kệ họ, thiết nghĩ mình chẳng cần quan tâm. Theo truyền thuyết của đất nước họ thì Phục Hy và Nữ Oa cũng là anh em với nhau mà vẫn cưới nhau. Chốt lại chúng ta chỉ cần hiểu sử và văn hóa Việt để có thể góp phần làm rạng danh văn minh dân tộc như tiền nhân đã xếp Kinh Dương Vương ngang hàng đế Nghi của Trung Hoa thì chúng đã hiểu được ý của các cụ rồi.
Xin nhắc lại rằng, Bách Việt là tên gọi của các dân tộc không phải người Hán sống phía Nam sông Trường Giang Trung Quốc từ thuở sơ khai, qua chiều dài lịch sử phần lớn đã bị Hán hóa bằng những cuộc di dân từ phương Bắc hoặc bằng sức mạnh quân sự cưỡng ép. Nhưng dân tộc Việt Nam chúng ta vẫn giữ được bản sắc dân tộc và thoát khỏi sự thống trị của Trung Hoa. Vâng, chuyên mục lần sau chúng ta sẽ tiếp tục đi đến triều đại Hùng Vương,những người con của mẹ Âu Cơ và Lạc Long Quân. Còn bây giờ Thu Hương và anh Duy Nguyễn xin kính chào các bạn, hẹn gặp lại vào chuyên mục lần sau.
Duy Nguyễn - HLV Thể Hình & Fitness